Trang tin điện tử Tin180.com

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2010

Chuyen trong nha Bo toi

*http://tin180.com/doisong/?p=17210  Bố tôi mất đã gần một chục năm rồi nhưng nỗi nhớ bố trong tôi vẫn chưa hề nguôi ngoai. Càng ngày tôi cà
*http://tin180.com/doisong/?p=17210
Bố tôi mất đã gần một chục năm rồi nhưng nỗi nhớ bố trong tôi vẫn chưa hề nguôi ngoai. Càng ngày tôi càng thấy rõ vai trò của bố, vắng bố là một sự thiệt thòi lớn cho cả nhà.

*http://tin180.com/wp-content/blogs.dir/11/files/2010/03/buacomgiadinh285_218.jpg

Suốt một đời phấn đấu và sống rất mẫu mực bố đã để lại trong chúng tôi hình ảnh một người chủ gia đình chững chạc, đàng hoàng, đứng đắn và uy nghiêm. Tôi chưa bao giờ thấy bố mặc quần đùi. Trước khi ra khỏi nhà bao giờ bố cũng soi gương chỉnh trang lại y phục cẩn thận, bộ quần áo phẳng phiu, sạch sẽ, cà vạt trang nhã, đôi giầy không phải lúc nào cũng bóng như gương nhưng không bao giờ lấm bụi. Có lần anh trai tôi đã bị bố nhắc nhở về chuyện mặc. “Tại sao con lại mặc quần đùi ở nhà, trước mặt bố mẹ, bà nội và các em gái của con. Cái quần ấy con chỉ có thể mặc được ở trên bãi tắm hoặc trong bể bơi thôi. Y phục xứng với y đức. Nếu con không chú ý mặc cho tử tế thì không được người khác tôn trọng, vì con cũng không tôn trọng người khác”.

Trong bữa ăn, bao giờ bố tôi cũng ngồi ở một vị trí nhất định, đối diện với cửa ra vào. Mẹ tôi nói đó là chỗ ngồi của ông chủ nhà khi ăn cơm. Ngồi như thế, nếu có ai vào là bố tôi thấy trước tiên, không phải ngoái lại nhìn khách nên rất chủ động trong việc ứng xử. Vì còn bà nội nên trước khi ăn bao giờ bố tôi cũng lễ phép mời bà. Người già ăn chậm nên bữa nào bố tôi cũng ăn xong trước bà nội. Trước khi đứng dậy, bao giờ bố tôi cũng gắp cho bà nội một miến thức ăn ngon nhất rồi nói: “Con ăn đủ rồi, xin phép mẹ đứng lên trước”. Lúc này, mẹ tôi thay bố tôi phục vụ bà, tiếp thức ăn, chan canh cho bà. Bữa nào mẹ tôi đi vắng thì bố tôi ngồi lại để phục vụ bà. Trước khi đi làm và buổi chiều đi làm về, bao giờ bố tôi cũng lễ phép chào bà nội. Bố yêu cầu chúng tôi phải ăn mặc lịch sự, nói năng lịch sự, ai nhỡ nói một tiếng trống không là bố nhắc ngay, thậm chí còn bắt phải nói lại.

Có một lần bố hỏi tôi: “Con đã làm hết bài tập về nhà chưa?” Tôi đáp: “Rồi bố ạ!”. Bố tôi nghiêm giọng: “Con nói thiếu chủ ngữ. Hãy nói lại: “Con làm bài xong rồi bố ạ!”. Nhờ bố mà gia đình chúng tôi có nề nếp. Nhờ bố mà mấy chị em chúng tôi lớn lên ra xã hội biết ứng xử đúng mực và được mọi người quý mến. Ngày đầu tiên đi làm, tôi nghe sếp của tôi nói với cấp phó của ông: “Cô này là con nhà gia giáo, nhìn tác phong, nghe nói năng là biết ngay”. Mọi người nói đời tôi nhiều may mắn, nhưng may mắn lớn nhất là tôi có một người bố như thế. Sau này khi làm vợ và làm mẹ, tôi càng thấy sự rèn dạy của bố có ích cho tôi rất nhiều. Có nhà văn nói rằng: “Gia đình là nơi tồn giữ văn hoá dân tộc. Và mỗi gia đình cần có những người bố, người mẹ mẫu mực”.

Thanh Thanh

(theo giadinh)
*http://tin180.com/doisong/?p=17210

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét