Trang tin điện tử Tin180.com

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Sau tran lu lich su noi dau van am i khap mien Trung- Phong su ky su- Xa hoi- Tin nong

Câu chuyện về đói khát, bệnh tật, vô gia cư, vô nghề nghiệp vẫn đang diễn ra. Nhưng đau đớn hơn là sau cơn lũ, những sinh mạng đã bị dập chì
Câu chuyện về đói khát, bệnh tật, vô gia cư, vô nghề nghiệp vẫn đang diễn ra. Nhưng đau đớn hơn là sau cơn lũ, những sinh mạng đã bị dập chìm dưới dòng nước và không bao giờ trở lại vẫn đang khiến những người còn sống quặn thắt lòng. Chồng mất vợ, con mất mẹ, cha mất con, bà mất cháu… vẫn khóc nấc lên từng hồi.

http://tin180.com/wp-content/blogs.dir/2/files/2010/11/Sau-tran-lu-lich-su-noi-dau-van-am-i-khap-mien-Tr_Tin180.com_001.jpg

Những dấu vết còn lại sau trận lũ lịch sử tại Bắc Trung Bộ vẫn còn ghi lại bằng những mảng màu bụi đất được "vẽ" lên những khóm tre cao hơn đầu người khắp thôn làng.

Về thăm gia đình anh Nguyễn Văn Trung (42 tuổi) trú tại xã Hương Thủy, Hương Khê, Hà Tĩnh, là chồng chị Trần Thị Hoa, cô giáo trường mầm non xã Hương Thủy. Người giáo viên với trách nhiệm cao cả, trong lúc nước đang ngập mênh mông chị vẫn quyết tâm băng mình qua lũ để thu dọn lại đồ đạc tại nhà trường và rồi bị cơn lũ cuốn trôi đi không bao giờ trở lại.

Bên cạnh chiếc bàn thờ của người vợ quá cố, anh Trung nghẹn ngào kể về cái ngày định mệnh vào sáng 3/10: “Khi nước lũ bất ngờ đổ về rồi nhanh chóng dâng cao. Khoảng 7h sáng, lũ ập đến nhà mẹ cháu chưa kịp dọn dẹp gì nhưng thấy đồ đạc ở trường vẫn còn nhiều nên đã bảo tôi sang nhờ anh Lê Trọng Thống gần đó để cùng đi ra trường.

http://tin180.com/wp-content/blogs.dir/2/files/2010/11/Sau-tran-lu-lich-su-noi-dau-van-am-i-khap-mien-Tr_Tin180.com_002.jpg

Vợ mất, anh Trung giờ "gà trống nuôi con". Đứa con gái lớn thay mẹ dỗ dành, bón cho em mỗi bữa ăn và ru em ngủ mỗi khi đêm về.

Khi ra đến đường thì thấy nước lũ dâng lên cao quá tôi đã gàn vợ ở nhà để chúng tôi ra nhưng cô không chịu. Khi đến cầu Hối Hối nước lũ đã dâng đến ngang ngực. Hoa đi giữa hai chúng tôi, khi cách bờ chỉ còn mấy bước chân thì một dòng nước bất ngờ đổ mạnh về, cuốn trôi cả ba người. Tôi được anh Thống lao ra kéo vào bờ, nhưng vợ tôi thì đã chìm xuống dòng nước xiết. Ba ngày sau đó mới tìm thấy xác cô ấy. Ngày đưa cô ấy về cõi vĩnh hằng phải đưa đi bằng thuyền giữa dòng nước mênh mông phủ bốn bề thôn xóm…”

Xoa đầu đứa con út mới được hơn 2 tuổi, anh Trung lặng đi rồi hai hàng nước mắt cứ chảy dài. Chị Hoa mất đi là một nỗi đau và mất mát lớn với gia đình anh. Hơn chục năm làm hợp đồng tại trường mầm non giờ chị mới được vào biên chế. Đồng lương ít ỏi của chị cũng là nguồn thu nhập chính mà gia đình trông ngóng. Anh Trung thi thoảng vào rừng kiếm củi về bán cũng chẳng được là bao. Ngôi nhà cấp bốn mới xây, hai vợ chồng mạnh dạn vay hơn 20 triệu giờ cũng chưa trả hết nợ.

http://tin180.com/wp-content/blogs.dir/2/files/2010/11/Sau-tran-lu-lich-su-noi-dau-van-am-i-khap-mien-Tr_Tin180.com_003.jpg

Lũ đã cuốn trôi chiếc bàn học của Hằng, giờ trong góc học tập chỉ còn trơ lại hai chiếc ghế cũ trước đây mẹ vẫn ngồi cạnh bên để dạy em học.

Cô con gái lớn Nguyễn Thị Thúy Hằng (13 tuổi) sau ngày mẹ mất cứ thẫn thờ. Không nói không rằng, dòng nhật ký mà Hằng viết vì nhớ mẹ sau ngày mẹ mất đã làm xúc động biết bao lòng người. Đi học về bước tới bàn thờ thắp cho mẹ nén nhang rồi lại lủi thủi vào bếp cùng bố chuẩn bị bữa ăn trưa. Những việc này trước đây chị Hoa là người quán xuyến cả. Bữa cơm đạm bạc chỉ có canh mì tôm và rau trộn muối làm thức ăn. Đang tuổi ăn học, giờ đây Hằng thay mẹ dỗ dành và bón cơm cho em và giúp bố dọn dẹp nhà cửa.

Thương cho cô bé ham học. Trong góc học tập xập xệ, chiếc bàn gỗ cũ của Hằng đã bị cơn lũ cuốn trôi đi mất chỉ còn trơ lại hai chiếc ghế liêu xiêu. Em vẫn ngồi ê a những bài giảng của cô thầy… Rời xa khỏi lũy tre làng, bóng anh Trung và bé Hằng cùng đứa em nhỏ vẫn cứ mập mờ. Tiếng nấc nhớ vợ của anh Trung, đôi mắt ngây ngô của hai đứa trẻ và màu khăn tang phủ trắng cứ ám ảnh tôi mãi.

Tiếp tục cuộc hành trình, vượt hơn 200km vào Quảng Bình, nơi thiệt hại do trận lũ lịch sử gây ra cũng vào mức khủng khiếp, chúng tôi đến thôn Khương Hà 2, xã Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình để thăm gia đình chị Trần Thị Lý (56 tuổi). Chị Lý là người khuyết tật, xưa nay sống nhờ vào sự giúp đỡ của làng xã. Chị không chồng nhưng “xin” được bốn người con. Ba cô con gái đầu lớn lên lấy chồng xa đã bỏ nhà đi hết. Được anh con trai út ở với mẹ nhưng cũng thường xuyên đi làm xa. Trong căn nhà gỗ liêu xiêu nơi chân đồi, chị Lý còn phải lo cơm nước cho bà cố đã ngoài 90 tuổi.

http://tin180.com/wp-content/blogs.dir/2/files/2010/11/Sau-tran-lu-lich-su-noi-dau-van-am-i-khap-mien-Tr_Tin180.com_004.jpg

Trong căn nhà xập xệ, chị Lý vẫn hàng ngày hướng ra ngoài chờ mong người con trai trở về...

Ngày cơn lũ đến, anh con trai Trần Văn Kiếm (20 tuổi) của chị Lý đang đi kéo gỗ trên nguồn cách nhà hơn 50 km về để xóa nhà tạm thì đến ngày 2/10, chị nhận được tin sét đánh, Kiếm đã bị dòng lũ cuốn trôi và vẫn chưa tìm thấy xác. Từ ngày nhận được tin dữ chị như mất đi cả hồn mình. Hằng đêm nhớ con chị khóc đến cạn nước mắt.

Bốn ngày sau khi bị lũ cuốn, xác anh Kiếm mới được tìm thấy và đưa về mai táng. Cả gia đình giờ chỉ trông chờ vào người con trai duy nhất, nhưng đứa con ấy cũng bỏ chị mà ra đi mãi mãi. Căn nhà cũ đợi anh Kiếm quay về sửa sang nay vẫn nằm xiêu vẹo dưới gió bấc. Cuộc sống nghèo khó, đói khát sau lũ cùng người mẹ già như một định mệnh đóng chặt tương lai của người đàn bà đơn thân.

http://tin180.com/wp-content/blogs.dir/2/files/2010/11/Sau-tran-lu-lich-su-noi-dau-van-am-i-khap-mien-Tr_Tin180.com_005.jpg

Bà cố của chị Lý (bên trái) đã ngoài 90 tuổi quặn thắt lòng thương cho cháu trai và người con gái tật nguyền.

Nói như ông Bùi Quốc Toản, trưởng thôn Khương Hà 2, thì chị Lý giờ như gái què mồ côi con. “Kiếm” được cái cột chống nhà thì nay nó đã bị lũ đánh đổ mất. Biết trông chờ vào ai, nương tựa vào ai cho đến lúc chết…

Ngược đường Quốc lộ 1A quay trở ra Hà Nội, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Chen (52 tuổi) và chị Nguyễn Thị Vinh (51 tuổi) trú tại xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Gia đình anh chị có hai người con trai bị mất tích trong trận lũ đầu tháng 10 đã gần một tháng nay vẫn chưa trở về.

http://tin180.com/wp-content/blogs.dir/2/files/2010/11/Sau-tran-lu-lich-su-noi-dau-van-am-i-khap-mien-Tr_Tin180.com_006.jpg

Nước mắt của người mẹ, người bà vẫn không ngừng rơi khi nhớ về hai người con trai đã mất tích.

Ngôi làng nhỏ bên dòng sông Gianh chỉ cách Cửa Gianh khoảng gần 1km. Cả làng hầu như đều theo nghề ngư nghiệp. Năm 2009, gia đình anh Chen mạnh dạn vay hơn 500 triệu nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng để đóng một con tàu đánh cá mong sao được ra khơi ở những vùng biển xa, đánh được nhiều cá, đổi đời cho gia đình.

Nhưng đại họa thay, sáng sớm ngày 4/10 cơn lũ lớn bất ngờ đổ ập về. Gió giật mạnh, hai người con trai lớn của gia đình anh là Nguyễn Văn Chiến (25 tuổi) và Nguyễn Văn Tới (23 tuổi) vội vã ra trông tàu. Nhưng dòng nước xiết về đột ngột đã giật tung cả hai neo. Tàu đứt neo cứ theo dòng nước mà trôi ra ngoài biển. Trong lúc vật lộn với con lũ lớn, hai anh vẫn còn liên lạc để thông báo tình hình với gia đình. Nhưng đến 4h sáng cùng ngày, khi đang trao đổi thông tin thì tiếng điện thoại của hai người con vụt tắt. Cả nhà ông lặng người đi…Từ đó cho đến nay đã hơn 1 tháng con tàu và hai người con của gia đình vẫn chưa trở về.

Qua nhiều ngày chờ đợi mòn mỏi, hi vọng hai anh còn sống sót hầu như không còn, gia đình đã lập bàn thờ để cầu cho linh hồn hai người con siêu thoát. Nghẹn ngào trước nỗi đau mất con, anh Nguyễn Văn Chen chia sẻ: “Thời gian hai cháu đã mất tích quá lâu rồi, phần trăm sống sót của các cháu là rất nhỏ. Chỉ mong có cơ may nào đó đưa hai cháu trở về. Ngày nào chúng tôi cũng ngóng trông, nhưng vô vọng và bây giờ không biết đang trôi nổi ở phương trời nào nữa…chưa có trận lũ nào ở đây lớn như trận lũ này”.

http://tin180.com/wp-content/blogs.dir/2/files/2010/11/Sau-tran-lu-lich-su-noi-dau-van-am-i-khap-mien-Tr_Tin180.com_007.jpg

Dù không còn hi vọng, nhưng anh Chen mong rằng sẽ có một điều kỳ diệu nào đó xảy ra.

Không những mất đi hai người con trai, gia đình anh còn phải đối mặt với cảnh nợ nần vì chưa trả hết nợ ngân hàng. Tiếng kêu khóc ỉ ôi của người mẹ, người vợ anh Chen khiến anh trào nước mắt: “Hai cháu còn quá trẻ, còn chưa biết đến sự đời là gì vậy mà giờ đây trôi sông, lạc chợ, vô bờ, vô bến không biết đang nằm ở nơi mô…?”

Trở lại miền Trung sau khi trận lụt lịch sử đã trôi qua, nhưng dấu ấn về nó vẫn còn ghi lại trên những bụi tre đầu làng, nước lên cao vẫn còn tô nguyên một màu đất lên giữa bụi tre cao gấp hai đầu người. Ở nơi đó cách đây không lâu mênh mông sóng nước.

Những ngôi nhà nằm trên triền đồi đã cao lắm rồi nhưng con nước vẫn còn bám đuổi và giờ đây khi con nước rút xuống, một mảng màu thẫm hơn chia nửa ngôi nhà thành hai mảng màu vẫn còn là nhân chứng. Đồng ruộng tan hoang. Những đứa trẻ trong những khu làng nghèo nhao nhác và rách rưới chạy theo bất cứ chiếc xe ô tô nào chìa tay ra… vì nhà con không còn gì để ăn sau lũ!

Dương Lãng Hoàng

(theo vtc)
(source: http://tin180.com/xahoi/phong-su-ky-su/20101125/sau-tran-lu-lich-su-noi-dau-van-am-i-khap-mien-trung.html )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét